Thị trường bất động sản Hà Nội năm 2019: Nhiều phân khúc tăng trưởng

Qua số liệu thống kê của các công ty quản lý, phân phối bất động sản lớn cho thấy, năm 2019, nhiều phân khúc vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng...


Năm 2019, Việt Nam đạt được các chỉ số kinh tế vĩ mô ấn tượng hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) phát triển tốt. Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao hơn mục tiêu năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt ở mức 2,79% thấp nhất trong 3 năm qua. Doanh số bán lẻ đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng 13%, cao nhất trong năm năm qua. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký là 38 tỷ USD, tăng 7%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16% lên 18 triệu lượt. Những tín hiệu khả quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã có tác động tích cực thị trường BĐS nói chung và tại Thủ đô Hà Nội nói riêng, qua số liệu thống kê của các công ty quản lý, phân phối BĐS lớn cho thấy, nhiều phân khúc vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.


Bán lẻ nguồn cung tăng


Tổng nguồn cung đạt khoảng 1,6 triệu m2, tăng 5% theo quý và 14% theo năm. Giá thuê gộp trung bình tầng trệt giảm 1% theo năm trong khi công suất thuê tăng 2% theo năm. Khu vực phía Tây ghi nhận hoạt động cải thiện nhất. Doanh thu bán lẻ tăng 14% theo năm, chủ yếu là F&B, xăng dầu. Năm 2020, 14 dự án sẽ gia nhập thị trường và dự kiến sẽ cung cấp thêm 88.000m2 mặt sàn bán lẻ.


Phân khúc văn phòng giá thuê tăng


Tổng nguồn cung diện tích văn phòng đạt khoảng 1,8 triệu m2, tăng 10% so với năm 2018. Giá thuê 5% theo năm trong khi công suất thuê giảm 1% theo năm. Công suất thuê cải thiện nhất tại Hạng C trong khi giá thuê tăng mạnh nhất tại Hạng B. Khu vực Nội thành hoạt động tốt hơn khu vực Trung tâm và Nội thành.


Có 27.900 doanh nghiệp mới trong năm 2019, tăng 11% theo năm. Năm 2020, tám dự án với 169.000m² sẽ gia nhập, phần lớn nằm ở khu vực Nội thành. Đây là nhóm khách hàng tiềm năng và có nhu cầu lớn về thuê mặt bằng văn phòng để làm việc.


Phân khúc khách sạn hoạt động được cải thiện


Trong năm 2019, thị trường có khoảng 9.800 phòng từ 65 khách sạn, giảm 1% theo năm. Ba khách sạn 3 sao bị xuống hạng trong khi có thêm một khách sạn 4 sao. Công suất toàn thị trường đạt 74%, tăng 2%, giá thuê trung bình tăng 7% theo năm. Riêng Thủ đô Hà Nội đón 7 triệu khách quốc tế trong năm, tăng 17%.


Trong năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 6 khách sạn với khoảng 1.200 phòng sẽ gia nhập thị trường. Từ năm 2020 trở đi, 9.100 phòng từ 48 dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động.


Căn hộ dịch vụ nguồn cung hạng A tăng


Trong năm với sự xuất hiện của một dự án hạng A mới, tổng nguồn cung đạt xấp xỉ 4.600 căn, tăng 6% theo quý. Giá thuê trung bình tăng 6% theo năm tới 26 USD/m²/tháng. Công suất ghi nhận đạt 82%, nhưng giảm 4 % so với năm 2018.


Trong năm 2020, dự kiến sẽ có thêmh 2.700 căn từ 22 dự án sẽ mở cửa. Ba dự án thuộc khu phía Tây và các dự án còn lại thuộc khu Nội thành. Riêng quận Tây Hồ sẽ cung cấp 47% nguồn cung tương lai.


Biệt thự và nhà liền kề thiếu nguồn cung


Tổng nguồn cung thị trường trong năm đạt 49.800 căn, tăng 9% so với năm 2018. Có 4 dự án mới được đưa vào thị trường thêm khoảng 547 căn, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong năm 2019. Tuy nhiên, nguồn cung sơ cấp trong năm giảm 28% so với năm 2018, nhưng tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao với 87%.


Nguồn cầu căn hộ tăng cao


Năm 2019, thị trường sơ cấp có 37.700 căn hộ mới mở bán, tăng 1% so với năm 2018. Tổng giao dịch đạt 39.300 căn, tăng 26% so với năm 2018; Tỷ lệ hấp thụ đạt 63%, tăng 7% so với cùng kỳ.


Trong đó, phân khúc hạng B tiếp tục đứng đầu, chiếm 73% tổng lượng giao dịch và đạt tỷ lệ hấp thụ 64%. Dự kiến đến năm 2022, sẽ có hơn 124.000 căn hộ từ 116 dự án sẽ mở bán; trong đó 41.000 căn sẽ gia nhập trong năm 2020.